Chiều ngày 2/7, Lễ Tổng kết chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024 tại miền Bắc đã được tổ chức tại FPT Tower. Chương trình được phối hợp tổ chức bởi INF, PMB, TIN PNC, SOC, SCC, CNx và các đơn vị ngành dọc.
Lễ Tổng kết có sự tham gia của: Anh Trần Thanh Hải – Giám đốc Công nghệ FPT Telecom, Trưởng Ban chỉ đạo; Chị Tô Thị Ngà – Giám đốc INF MB, Phó Ban chỉ đạo thường trực, cùng với đó là các Lãnh đạo đơn vị đảm nhận vai trò Phó ban chỉ đạo của chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024. Đặc biệt, hàng trăm Cán bộ Kỹ thuật, Đội trưởng đang công tác tại các Chi nhánh tại miền Bắc cũng tham gia kết nối trực tuyến.
Theo đội ngũ BTC, chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024 đã chuyển dịch từ công tác diễn tập tập trung sang đẩy mạnh công tác chuẩn bị toàn diện các phương án về nguồn lực, công cụ, phương án triển khai phòng chống thiên tai. BTC đã thành lập đoàn đánh giá onsite và online các Chi nhánh.
Chị Tô Thị Ngà – Giám đốc INF MB đánh giá cao sự nhiệt huyết và tận tâm của đội ngũ nhân sự Kỹ thuật miền Bắc tham gia chương trình năm nay. “Có thể nói đây là một năm đầy bất ngờ. Ngay từ đầu năm, Ban Lãnh đạo đã có sự chỉ đạo sát sao để có các hoạt động phòng chống thiên tai. Thời gian diễn ra được rút ngắn trước 30 ngày và được nhận định có nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị. Nhưng sự đồng lòng của toàn thể đội ngũ Kỹ thuật, Triển khai Bảo trì, đường trục,… đã giúp tạo nên sự thành công của chương trình. Tôi mong rằng với sự chuẩn bị kỹ càng của chúng ta, những ảnh hưởng từ thiên tai sẽ được giảm thiểu đáng kể”.
Sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực: 35/35 Chi nhánh, Trung tâm tại miền Bắc được đánh giá onsite/online bởi BTC, 410km là khoảng cách đến điểm đánh giá xa nhất từ Hà Nội và đặc biệt 100% các đơn vị nắm được tinh thần, nội dung yêu cầu của chương trình.
Trong Lễ Tổng kết, BTC đã tiến hành trao giải cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc. Cụ thể, 10 giải cá nhân được trao cho: Anh Nguyễn Minh Quân – Trung tâm HN09, anh Nguyễn Minh Hoàn – Trung tâm HN11, anh Trần Văn Bình – Trung tâm HN14, anh Nguyễn Trần Nguyên – Chi nhánh Phú Thọ, anh Vi Đức Chiến – Chi nhánh Lạng Sơn, anh Hà Văn Tuyền – Chi nhánh Điện Biên, anh Trịnh Ngọc Linh – Chi nhánh Hải Phòng, anh Nguyễn Chí Công – Chi nhánh Nam Định, anh Nguyễn Văn Duy – Chi nhánh Hà Nam, anh Ngô Xuân Trường – Chi nhánh Hải Dương.
Giải Tập thể khu vực đồng bằng thuộc về: Giải Nhất – Trung tâm HN07, giải Nhì – Chi nhánh Bắc Giang, giải Ba – Trung tâm HN08. Tại Khu vực Trung du – miền Núi: Giải Nhất – Chi nhánh Yên Bái, giải Nhì – Chi nhánh Lào Cai, giải Ba – Chi nhánh Vĩnh Phúc. Khu vực tiếp giáp biển có các giải thưởng: Giải Nhất – Chi nhánh Nghệ An, giải Nhì – Chi nhánh Quảng Ninh và Hà Tĩnh, giải Ba – Chi nhánh Thái Bình.
Chương trình Phòng chống thiên tai 2024 ghi nhận sự chuẩn bị, tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị. Anh Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Kỹ thuật Chi nhánh Thái Bình chia sẻ việc xử lý, khắc phục sự cố sau mưa bão được Chi nhánh chú trọng đẩy mạnh mỗi năm. Anh cho biết ngoài những kịch bản Chi nhánh và HO soạn sẵn, anh cũng yêu cầu đội ngũ Kỹ thuật của đơn vị nhanh nhẹn, chủ động thực hiện theo thực tế của từng địa bàn. “Khi có sự phân công cụ thể và phối hợp nhịp nhàng, việc phòng chống, khắc phục thiên tai cũng phần nào giảm đi sự khó khăn, vất vả cho CBNV FTEL”, anh nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Mậu – Giám đốc Khu vực Đông Bắc Bộ cũng có những chia sẻ trong buổi Lễ Tổng kết: “Tôi mong anh em Kỹ thuật sẽ tích cực rà soát các điểm xung yếu, kiểm tra các thiết bị, hạng mục cần thiết để hạn chế tối đa thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, chúng ta cần chặt chẽ trong mọi công tác để làm đúng với phương châm 3 sẵn sàng – 4 tại chỗ, có thể sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi chẳng may bão tới”.
Đồng hành và sát sao trong công tác chỉ đạo ngay từ những ngày đầu chương trình, anh Trần Thanh Hải – Giám đốc Công nghệ FTEL cho rằng việc chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai là điều bắt buộc phải thực hiện và cần được ưu tiên chú trọng ở mọi thời điểm. Tuy nhiên, đội ngũ Kỹ thuật của FTEL cũng cần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, người thân. Anh Hải chia sẻ ngoài việc chuẩn bị công cụ dụng cụ, vật tư cần thiết thì nguồn lực điều động từ INF, PMB, TIN PNC là yếu tố cần chú ý phân bổ hợp lý.
Những năm vừa qua, sự đổ bộ của các cơn bão lớn tại các khu vực miền Trung – Việt Nam không chỉ ảnh hưởng về con người, tài sản mà còn tác động trực tiếp đến đường truyền Internet của các nhà mạng viễn thông trong khu vực. Tuy nhiên, FPT Telecom luôn được đánh giá là đơn vị có công tác chuẩn bị, phòng chống và khắc phục sự cố nhanh chóng trước những trận thiên tai, bão lũ. Trong đó, các chương trình Tập huấn, đào tạo phòng chống thiên tai – bão lũ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động công việc của đội ngũ hạ tầng, KTV FPT Telecom.
Sau nhiều năm tổ chức Diễn tập Phòng chống lụt bão tại Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa,… (từ 2019 tới 2022) và Phòng chống thiên tai trên hạ tầng (2023), FPT Telecom phát động chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình được phát động vào ngày 23/5 và kéo dài tới ngày 2/7 với các hoạt động triển khai liên tiếp: Từ ngày 23/5 – 28/5: Thành lập Ban chỉ đạo chương trình; Từ ngày 29/5 – 31/5: Đào tạo truyền thông chương trình; Từ ngày 1/6 – 10/6: Các đơn vị thực hiện công tác chuẩn bị theo các phụ lục và hướng dẫn, bổ sung vật tư; Từ ngày 11/6 – 15/6: Lập kế hoạch và các tiêu chí đánh giá. Ban Giám khảo Onsite đánh giá thực tế công tác chuẩn bị tại Chi nhánh, báo cáo kết quả thực hiện từ ngày 17/6 – 30/6. Lễ Tổng kết và trao giải được diễn ra vào ngày 2/7 tại FPT Tower.
HB
Ảnh: Anh Nhật
Nguồn: foxnews.fpt.vn