Giai đoạn 3 Giảng viên nội bộ 2022 – Huấn luyện kèm cặp nhân viên bằng câu hỏi




Nằm trong chuỗi chương trình Giảng viên nội bộ 2022, ngày 20/07 vừa qua, buổi học Giai đoạn 3: Ứng dụng đã diễn ra thành công với sự tham gia, trao đổi sôi nổi của hơn 130 học viên tại FPT Tân Thuận 2 và trên nền tảng OMT. 

Ở buổi học kỹ năng “Huấn luyện kèm cặp nhân viên bằng câu hỏi”, có sự góp mặt và giảng dạy của anh Đinh Quang Tuấn – GĐ khối Quản trị FPL, cùng sự tham dự của chị Đinh Ngọc Hường – GV Kỹ năng mềm FTC và chị Bùi Thị Thy – GV Kỹ năng mềm FTC. 

Với mong muốn chia sẻ cũng như đẩy mạnh tinh thần học tập của các CBNV tại FTEL, FTC triển khai chương trình Giảng viên nội bộ 2022 toàn quốc. Chương trình đã trải qua 2 Giai đoạn “Học tập”, Trung tâm đào tạo FPT tiếp tục tổ chức khóa học ở Giai đoạn 3 với nội dung “Huấn luyện kèm cặp nhân viên bằng câu hỏi” với mong muốn giúp cấp quản lý hướng dẫn, huấn luyện và đào tạo nhân viên một cách hiệu quả. Đây là nội dung mang tính ứng dụng và thực tiễn cao. 

Mở đầu buổi học, anh Đinh Quang Tuấn bảy tỏ thắc mắc về mong muốn của các học viên khi đến với buổi học Giai đoạn 3. Đồng thời chia sẻ về ý nghĩa cốt lõi của việc huấn luyện nhân viên là hỗ trợ nhân viên khám phá tiềm năng của chính họ và để họ tự phát triển bản thân: “Khi chúng ta phải triển, KPI tự hoàn thành”. Buổi học xoay quanh 3 nội dung chính: Tư duy huấn luyện, xây dựng thói quen huấn luyện hiệu quả và ứng dụng 7 câu hỏi thần kỳ trong huấn luyện. 

Theo anh, một doanh nghiệp muốn phát triển phải cần đội ngũ nhân viên có kiến thức, kỹ năng làm việc tốt và việc huấn luyện, đào tạo nhân viên là một trong những công việc rất quan trọng của cấp quản lý. Đồng quan điểm với GĐ Khối quản trị FPL, các học viên đã có những bàn luận sôi nổi cho các câu hỏi được đặt ra để khởi động buổi học. Chủ đề này nhận được sự hứng thú cao từ phía các học  viên. 

Ở phần nội dung, anh chia sẻ về mô hình AGES: Attention (Tập trung khi học tập và có ghi chép), Generation (Kiến tạo kiến thức), Emotion (Cảm xúc khi học tập), Spacing (Thời gian để ôn lại kiến thức) là 4 động lực chính cho một trí nhớ dài hạn, để thu nhập kiến thức và áp dụng vào thực tế. Xuyên suốt buổi học, anh Tuấn liên tục đặt ra những câu hỏi nhằm khai thác mong muốn, nhu cầu và tìm hiểu về thói quen học tập, làm việc thường ngày của học viên, đồng thời đặt ra câu hỏi trọng tâm: “Lý do thất bại khi áp dụng kiến thức mới vào thực tế là gì?”. Sau đó đưa ra hướng giải quyết, cách biến thói quen hằng ngày trở nên hữu ích để phục vụ công việc. 

Nhấn mạnh cho nội dung chính của buổi học, anh nêu lên những lợi ích trong việc huấn luyện nhân viên: Giúp nhân viên tự chủ, độc lập giải quyết công việc, tăng dũng khí để vượt qua vùng an toàn của bản thân và có cơ hội trải nghiệm, học hỏi từ chính công việc để phát huy năng lực bản thân. “Sếp từ đó sẽ tránh được 3 vòng luẩn quẩn là bị nhân viên dựa dẫm, bị quả tải công việc và những việc hệ trọng thì không được quan tâm vì không còn thời gian. Huấn luyện, đào tạo nhân viên là giúp tăng nhanh hiệu quả công việc, vì khi ấy sếp sẽ tập trung được vào những việc thiết yếu, có “khoảng trống” để suy nghĩ cho các đầu việc quan trọng, có ý nghĩa lớn hơn cho doanh nghiệp.” – GĐ Khối quản trị FPL chia sẻ.

Nhưng để có được những hiệu quả trên, anh Tuấn đề ra 2 lưu ý mà các sếp cần quan tâm khi huấn luyện nhân viên, đó là Huấn luyện nhân viên hoàn thành công việc (huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, là yêu cầu bắt buộc của Quản lý cao cấp, đặc biệt là cấp TPP) và Huấn luyện nhân viên phát triển bản thân (khơi gợi tiềm năng nhân viên bằng cách đặt câu hỏi). 

Hướng câu hỏi vào công việc, anh đưa ra 3 khía cạnh cấp quản lý cần ưu tiên bao gồm: Công việc, con người và kiểu hành xử. Anh Tuấn nhấn mạnh, các câu hỏi xoay quanh 3 khía cạnh trên sẽ có giá trị khi được lặp lại liên tục trong quá trình trao đổi và kết hợp với các câu hỏi khác để khai thác triệt để thông tin, số lần tối ưu sử dụng mỗi lần lặp là 3-5 lần, người hỏi cần phải tỏ ra tò mò, lắng nghe chủ động, đồng thời linh hoạt chuyển sang nội dung khác kịp thời khi nhân viên không còn ý kiến để trao đổi. 

Không những vậy, anh cho rằng để khai thác đúng thông tin qua những câu hỏi, nghệ thuật đặt câu hỏi cần đi song song với “sự an toàn” có được ở tâm lý của người đối diện. Phương pháp tạo nên sự an toàn cho người nhận được câu hỏi anh mang đến buổi học là phương pháp TERA: Tribe (Đồng đội) – Expectation (Kỳ vọng) – Rank (Thứ bậc) – Autonomy (Tự chủ). Đồng thời anh đưa ra lời khuyên thi thực hành huấn luyện nhân viên bằng 7 câu hỏi “thần kỳ”. “Khi người ta cần sự an toàn, mình hãy đứng cạnh người ta. Đồng thuận với những gì họ chia sẻ, lắng nghe và tạo nên một môi trường an toàn để người đối diện cảm thấy thoải mái Tạo được sự tin tưởng đó, họ mới cung cấp cho chúng ta những thông tin chúng ta cần.” 

Buổi đào tạo kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ đã diễn ra sôi nổi cùng những trao đổi, chia sẻ sâu sắc về các vấn đề liên quan đến nội dung chính của buổi học. Quan trọng hơn hết, các học viên đã nhận được những gợi ý, giải pháp hữu ích cho các vấn đề đang gặp phải.  

Giai đoạn 3: Ứng dụng trong chuỗi chương trình Giảng viên nội bộ 2022 sẽ tiếp tục diễn ra buổi đào tạo về kỹ năng “Tổ chức Seminar/Hội thảo chuyên đề vào tháng 08/2022. Thời gian chi tiết sẽ được BTC thông báo qua email.  

Thiện Duyên




Tham khảo: foxnews.fpt.vn

Bài đăng có liên quan

Thế hệ 9x bùng nổ: khi sức trẻ làm nên những BestSales trong số bán Camera

Người FPT trải nghiệm tương lai với loạt công nghệ made by FPT

FPT Telecom giúp học sinh trở thành ‘thám tử’ nhận diện an toàn trên không gian mạng